PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ em có xu hướng vui chơi tiếp xúc với đất cát nhiều và vệ sinh kém dẫn đến nguy cơ nhiễm giun. Khi tình trạng này xảy ra, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, chậm lớn, giảm sức đề kháng…
Giun có thể đi lạc đến các cơ quan trong cơ thể gây tắc ống mật, tắc ruột, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột… Ở trẻ gái, giun có thể xâm nhập vào trong cơ quan sinh dục gây viêm nhiễm.
Trẻ nhiễm giun có thể có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, sụt cân, suy dinh dưỡng, ngứa hoặc nổi mề đay, ngứa vùng hậu môn…
Phụ huynh nên chọn mùa hè để tẩy giun định kỳ cho trẻ. “Tẩy giun 6 tháng một lần giúp trẻ hạn chế rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa bệnh do nhiễm giun, tăng cường hấp thu dinh dưỡng, sức đề kháng phòng ngừa lại các bệnh truyền nhiễm”, PGS.TS.BS Trụ nhấn mạnh.
Thuốc tẩy giun thường dùng là mefbendazole. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên uống liều 500 mg một liều duy nhất. Phụ huynh cho trẻ uống thuốc tẩy giun lúc đói hay sau khi ăn no. Đối với trẻ mắc các bệnh mạn tính như: tim bẩm sinh, bệnh thận mạn, suy gan… hoặc trẻ đang sốt, khi tẩy giun cần có chỉ định của bác sĩ.
Với những bé có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng, thuốc tẩy giun có thể có một số tác dụng phụ như: chóng mặt, đau đầu,… Khi có những triệu chứng trên cần cho trẻ bổ sung nước, nước đường, sữa. Trường hợp trẻ nôn ói, nổi mề đay cần đưa đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, người lớn trong gia đình cũng nên tẩy giun định kỳ để phòng ngừa lây nhiễm chéo. Ngoài ra, gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chống rác thải, phòng ngừa ruồi nhặng, gián. Nếu nuôi động vật cũng cần tẩy giun định kỳ, không để động vật phóng uế bừa bãi.
Mỗi người nên thực hiện tốt vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và đi vệ sinh. Cha mẹ hướng dẫn và tập cho trẻ lau rửa đúng cách sau khi đi vệ sinh, tránh giun lây nhiễm.
Báo: Sức khỏe Đời sống