Cảnh giác với bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn “ăn thịt người”

Nhiễm trùng, nhiễm độc do “vi khuẩn ăn thịt người” mà một số truyền thông thường gọi để cho thấy mức độ trầm trọng của bệnh bởi độc tố của vi khuẩn Burkholderia pseudomalei. Khi nhiễm bệnh, nếu không được cấp cứu kịp thời thì sau khoảng 4 -5 ngày bệnh nhân sẽ có thể bị tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê, sốc nhiễm trùng…

Vi khuẩn này được một bác sĩ người Pháp có tên là Whitmore phát hiện lần đầu tiên vào năm 1912 nên được đặt tên cho vi khuẩn là Whitmore. Như vậy, với vi khuẩn này tên khoa học chính thức là vi khuẩn Burkholderia pseudomalei hoặc vi khuẩn Whitmore.

Ở nước ta mới đây (21/5/2023) ở ở huyện Ea Súp – Đăk Lăk có một bé gái 2 tuổi mắc căn bệnh này với các triệu chứng điển hình của bệnh và đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi (phải), tiêu chảy cấp không mất nước và xét nghiệm cho kết quả là “vi khuẩn ăn thịt người” (Whitmor).

Đường xâm nhập vào người và gây bệnh của vi khuẩn ăn thịt người

Đây là loài vi khuẩn hoại sinh trong đất, bùn, nước lạnh, rau, lúa nước. Vi khuẩn Whitmore tồn tại lâu trong đất, nhạy cảm với tia cực tím. Chết ở 58 độ C trong 15 phút, bởi formon 0,5% và Crezin 4%. Với kháng sinh, vi khuẩn nhạy cảm với chloramphenicol, gentamycin, tetracyclin, rifampycin nhưng lại có khả năng đề kháng với một số kháng sinh thông dụng như penixilin, ampicilin và polymicin.

– Vũ khí gây bệnh của vi khuẩn ăn thịt người là nội độc tố. Nội độc tố của vi khuẩn Whitmore được sinh ra khi vi khuẩn chết. Đường lây truyền của vi khuẩn ăn thịt người là lây qua da bị xây xước, qua niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hoá. Vi khuẩn Whitmore lây sang người qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.

Hình ảnh vi khuẩn Burkholderia pseudomalei gây bệnh Whitmore.
Hình ảnh vi khuẩn Burkholderia pseudomalei gây bệnh Whitmore.

– Điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Whitmore lây nhiễm là người tiếp xúc nhiều với nước, bùn bị nhiễm vi khuẩn Whitmore hoặc động vật (ngựa, trâu, bò) bị bệnh Whitmore. Vi khuẩn Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất.

– Vi khuẩn ăn thịt người thường xâm nhập vào cơ thể nhất là qua các vết thương hở, đồng thời nó cũng có thể xâm nhập qua vết cắt nhỏ, vết trầy xước, côn trùng cắn, thậm chí trong quá trình phẫu thuật (dù rất hiếm gặp). Một số trường hợp, không thể xác định được đường xâm nhập của vi khuẩn Whitmore. Trong các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Whitmore thì viêm cân mạc (mô liên kết) hoại tử sẽ diễn tiến rất nhanh và phá hủy các mô tổ chức khác như mô mỡ, mô cơ.

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

– Về biểu hiện của bệnh, sau 24 giờ nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau mạnh hơn ở xung quanh vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước và có các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chóng mặt, khó chịu trong người, khát nước nhiều. Những triệu chứng này thường không xuất hiện riêng lẻ mà xuất hiện cùng nhau.

– Sau 24 giờ, nếu người bệnh vẫn chưa được cấp cứu đúng có thể tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Sau 3 – 4 ngày nhiễm vi khuẩn Whitmore người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng khác như vùng da xung quanh vết thương sưng, nóng, đỏ, đau, cảm thấy cứng khi chạm vào hoặc chuyển sang màu tím, sau đó xuất hiện mụn nước chứa dịch sẫm màu có mùi hôi và vùng da xung quanh vết thương mất màu, bong da, tuột da, hoại tử. Đồng thời người bệnh xuất hiện tiêu chảy, nôn mửa.

– Nếu không được cấp cứu kịp thời thì sau khoảng 4 -5 ngày sẽ xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm, trầm trọng hơn như tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Nếu bị hoại tử nặng ở tay hoặc chân có thể bị cắt cụt chi, ở tình trạng nặng hơn ảnh hưởng đến các cơ quan khác và bệnh nhân có thể tử vong.

Các nhà chuyên môn cho biết có 3 thể bệnh của bệnh Whitmore:

-Thể nhiễm khuẩn huyết, với thể này vi khuẩn theo máu đi khắp cơ thể gây bệnh cho nhiều cơ quan, đặc biệt là gây gây apxe ở nhiều phủ tạng ( ví dụ, apxe não, gan, xương và một số cơ quan khác) và dễ dẫn tới tử vong. Thể nhiễm khuẩn huyết tỷ lệ tử vong có thể lên tới 96% và nếu điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong cũng trên 50%.

-Thể phổi gây nên nhiều ổ áp xe ở phổi, từ đó làm tổn thương nặng cho tổ chức phổi và với thể này có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết.

– Thể da, với thể này có thể gây nên viêm loét da, có mủ kéo dài.

Nguyên tắc phòng bệnh vi khuẩn ăn thịt người

Vệ sinh chung là điều rất quan trọng trong phòng bệnh Whitmore, đó là đảm bảo vệ sinh cá nhân:

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng về và trước khi ăn.

– Luôn luôn thực hiện ăn chín, uống chín (uống nước đun sôi để nguội), thực hiện nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm, chết.

– Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm vi khuẩn. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch … cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Nguồn: Báo Sức khỏe Đời sống

Chat với chuyên gia
EN EN