Chuyên gia cảnh báo dễ mắc bệnh nguy hiểm từ sở thích nuôi thú cưng

Chuyên gia cảnh báo, việc quá gần gũi với thú cưng có thể bị nhiễm giun đũa chó mèo. Ấu trùng có thể đi khắp có thể, có thể lên não, gan, phổi… rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hít thở cũng có thể nhiễm phải giun đũa chó mèo

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, hiện nay rất nhiều người thích nuôi thú cưng, phổ biến là nuôi chó và mèo. Đặc biệt ở giới trẻ, việc nuôi thú cưng đã trở nên rất phổ biến ở các thành phố lớn. Ít ai ngờ rằng chính việc tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng là nguyên nhân làm cho số bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo gia tăng những năm gần đây.

“Nếu như trước đây, các ca nhiễm giun sán chủ yếu là các loại giun đũa, giun tóc, giun kim… Có những trường hợp trong ruột chứa hàng trăm con giun gây tắc, thậm chí giun chui cả vào ống mật. Hiện nay, bệnh nhân nhập viện chủ yếu là do nhiễm giun đũa chó mèo do nuôi thú cưng”, TS Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.

Con đường lây nhiễm của giun chó mèo rất đa dạng. Khi nuôi thú cưng, nếu phân của chúng không được xử lý đúng sẽ làm cho giun đũa chó mèo lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, lây nhiễm vào nước uống, đồ ăn, thậm chí có thể lây nhiễm qua đường hít thở. Điều đặc biệt theo TS Dũng là dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó mèo mà phải thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Quá gần gũi với thú cưng dễ bị nhiễm sán chó mèo.
Quá gần gũi với thú cưng dễ bị nhiễm sán chó mèo.

Nguy hiểm khi mắc giun đũa chó mèo là nếu ăn phải trứng, ấu trùng sẽ đi khắp có thể, có thể lên não, gan, phổi… Tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban… do ấu trùng di chuyển dưới ra. Ngoài ra người bệnh có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da…

Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, chơi và ngủ cùng chúng, là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da. Khi ngứa, bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da bởi không phải lúc nào cũng ý thức được khi ngứa phải rửa tay rồi mới gãi. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi.

Thận trọng khi nuôi thú cưng

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cho biết, những năm gần đây số lượng bệnh nhân về ký sinh trùng tăng nhiều hơn. Bệnh nhân đến khám chủ yếu với triệu chứng ban đầu là ngứa. “Đa phần người dân nghĩ ngứa là đến da liễu khám. Có người ngứa 5-10 năm không khỏi nhưng đến đây thì phát hiện ra nhiễm giun chó mèo và chỉ 1 liệu trình là khỏi”, BS Thọ cho biết.

BS Thọ khuyến cáo, việc nuôi thú cưng, ôm ấp, chơi cùng nó… là nguy cơ rất lớn để bệnh giun chó mèo phát triển. Trong quá trình điều trị, có người đáp ứng nhanh, nhưng có người phải dùng 2-3 liệu trình mới khỏi.

BS Thọ cho biết, một loại bệnh phổ biến nữa là sán lá gan lớn do ăn các loại rau thủy sinh hoặc ốc luộc. Ốc luộc sơ không thể chết ấu trùng nhưng không diệt được sán lá gan lớn. Tổn thương của sán lá gan lớn gần giống với K gan. “Tôi đã gặp những bệnh nhân có ổ tổn thương gan trái, đến Việt Đức chẩn đoán u gan, nhưng mổ ra mới biết là sán lá gan. Nếu chẩn đoán sớm là sán lá gan thì không phải trải qua các cuộc đại phẫu như vậy”, BS Thọ cho biết.

Ngoài ra, sở thích ăn gỏi cá thường rất dễ nhiễm sán lá gan nhỏ. Khi nhiễm sán mà không tẩy thì sán ký sinh trong túi mật dẫn đến ung thư túi mật. Nếu chẩn đoán sớm thì xử lý rất đơn giản. Triệu chứng sán lá gan đa dạng, có người đau tức, sốt, có người lại không có bất cứ triệu chứng gì, chỉ siêu âm thì phát hiện sán lá gan. Do vậy khi cơ thể có bất cứ dấu hiệu gì khác lạ, người dân cần đi khám ngay. Trong ăn uống, nên thay đổi tập quán, sở thích ăn sống hay ăn tái. Tốt nhất là ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bệnh về ký sinh trùng diễn biến âm thầm trong cơ thể người, kéo dài nhiều năm có thể tới 10 năm, thậm chí 20 năm. Nhiều bệnh nhân từng đi ngoài ra đốt sán hàng chục năm nhưng không thấy cơ thể có biểu hiện gì khác lạ nên cho đó là bình thường và không đi khám. Chỉ tới khi thấy người yếu, có nhiều cơn co giật thì mới đi khám. Khi đó đã các loại ký sinh trùng có thể đã gây tổn thương ở não.

Không ít bệnh nhân đã từng đi khám ở rất nhiều các cơ sở y tế từ tư nhân tới cơ sở y tế bệnh viện công ở Tỉnh và Trung ương nhưng không chẩn đoán ra bệnh, làm mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Thậm chí có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Khi đến được Bệnh viện chuyên khoa điều trị các bệnh ký sinh trùng thì đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não và phải chịu nhiều di chứng kéo dài suốt cuộc đời sau này.

TS.BS Cảnh cho biết bà con khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng trên toàn quốc để được thăm khám và tư vấn.

Chat với chuyên gia
EN EN